Những công ty mì ăn liền Nhật Bản
đang tranh giành nhau thị phần ở quốc gia Việt Nam vì theo Nikkei Asian Review,
Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới.
Việt Nam bây giờ đứng thứ bốn về khả
năng tiêu thụ mì gói trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Nền kinh tế hiện nay đang phát triển và làm thay đổi nhiều nếp sống tại đây và
các công ty mì ăn liền biết rằng đây là một cơ hội thuận lợi để phát triển.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mì ăn
liền Thế giới có trụ sở tại Osaka, Nhật Bản, vào năm 2015 Việt Nam đã tiêu thụ
4,8 tỷ gói mì. Với dân số trong khoảng 90 triệu người, thì trung bình mỗi năm
người Việt đã ăn tới 50 gói mì, tương đương với 5% nhu cầu tiêu thụ mì gói trên
toàn thế giới.
Vào tháng 7, công ty Acecook Nhật
Bản đã cho ra mắt sản phẩm mới - loại mì gói chứa đựng trong ly với nhiều thịt
và rau, được bán với giá 8.000 đồng, gấp đôi so với nhiều loại mì khác đựng
trong bao nhựa thường được bán chỉ 3.500 đồng.
Acecook bắt đầu bán loại mì ly mới
tại TP HCM trước và sau đó bắt đầu phân phối tới Hà Nội và các thành phố lớn
khác. Công ty này cũng đã đầu tư một nhà máy sản xuất mới tại một khu công nghiệp
cách trung tâm TP HCM 40 phút đi xe. Nhà máy này có ba dây chuyền sản xuất,
trong đó một dây chuyền chỉ tập trung sản xuất loại mì ly mới.
Dây chuyền này có thể sản xuất
180 triệu ly mì mới và các loại mì ly khác trong một năm. Acecook Việt Nam cũng
đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy nữa ở miền Bắc Việt Nam vào năm sau.
Lý do chính Acecook chuyển từ sản
xuất mì gói sang mì ly là vì giới trung lưu ở Việt Nam tăng vọt về số lượng, chủ
yếu ở khu vực thành thị và có những nhu cầu riêng về thực phẩm.
Kinh tế Việt Nam đã và đang phát
triển ở mức 5 đến 7% một năm, với thu nhập mỗi người tăng gấp năm lần so với 15
năm về trước. Việc tăng trưởng kinh tế làm bùng nổ nhu cầu về thức ăn nhanh và
loại mì ly này dễ chế biến hơn các loại mì khác.
"Mì ly đang bán chạy hơn mì
gói ở một số cửa hàng tại TP HCM. Lúc trước, chuyện này chưa bao giờ xảy
ra", ông Junichi Kajiwara, Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam nói và cho biết
dự định tăng sản lượng mì ly trong các nhãn hiệu mì của công ty này từ 2% lên
5% vào năm cuối năm 2017.
Nhiều đối thủ cạnh tranh của
Acecook cũng tung ra nhiều sản phẩm mì ly với các hương vị và nguyên liệu đặc
thù của Việt Nam. Cũng vào tháng 7, Công ty Nissin Food Holdings ra mắt sản phẩm
Cup Noodles tại Việt Nam. Sản phẩm này đã có tiếng từ trước trên thế giới.
Giá mì ly Nissin cao hơn Acecook,
ở mức 12.000 đến 15.000 đồng. Đại diện Nissin cho biết chiến lược của công ty
là tạo ra nhu cầu cho các sản phẩm mì ăn liền cao cấp cho người tiêu dùng trung
lưu. Một vài doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã bắt kịp xu hướng sử dụng
mì ly của người tiêu dùng và ra mắt các sản phẩm tương tự.
"Dân số Việt Nam vẫn tăng
trưởng nhanh và thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, ngay cả ở những
vùng nông thôn. Nhu cầu cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh vẫn rất lớn", ông
Atsasuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại
Hà Nội cho biết.
Việc gia nhập Hiệp định Thương mại
Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Nhật Bản
đẩy mạnh sản xuất mì ăn liền, xuất khẩu sang các thị trường lớn hơn.
Trong vòng 3 năm tới, Acecook sẽ
đặt mục tiêu tăng tỉ lệ doanh thu xuất khẩu từ 8% lên 20%. Hiện tại ngoài thị
trường Việt Nam thì Bắc Mỹ và châu Âu cũng đang nằm trong kế hoạch của công ty
này.
Theo Vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét